Thông tin vắc xin Priorix – Bỉ
Priorix là vắc xin ngừa bệnh sởi – quai bị – rubella có thể tiêm sớm từ khi trẻ 9 tháng tuổi. Đặc biệt, nếu tiêm đủ 2 mũi, Priorix có thể tăng khả năng bảo vệ lên tới 98%.
Nguồn gốc
Được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn Glaxosmithkline (GSK) – Bỉ.
Đường tiêm
- Được chỉ định tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Vị trí phù hợp là phần cơ Delta phần trên cánh tay hoặc vùng trước phía trên đùi
- Nên tiêm dưới da cho các đối tượng có tình trạng giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
Đối tượng
Trẻ em từ 9 tháng tuổi và người lớn.
Lịch tiêm
Đối với trẻ từ 9 tháng đến dưới 12 tháng tuổi tại thời điểm tiêm lần đầu, phác đồ 3 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng
- Mũi 3: cách mũi 2 ít nhất 3 năm (hoặc thời điểm tiền học đường 4-6 tuổi)
Đối với trẻ từ 12 tháng đến dưới 7 tuổi, phác đồ 2 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 3 tháng
Đối với trẻ từ 7 tuổi và người lớn, phác đồ 2 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên trong độ tuổi
- Mũi 2: cách mũi 1 ít nhất 1 tháng
Khi có dịch: Khuyến cáo tiêm mũi 3, cách mũi 2 tối thiểu 1 tháng.
Chống chỉ định
- Người quá mẫn với bất kì thành phần nào của vắc xin.
- Người có phản ứng quá mẫn với lần tiêm Priorix trước đó.
- Người có phản ứng quá mẫn với lần tiêm vắc xin Sởi , Quai bị và / hoặc Rubella trước đó.
- Phụ nữ có thai, nên tránh có thai 1 tháng sau khi tiêm vắc xin Priorix.
- Người có tình trạng suy giảm miễn dịch dịch thể hoặc tế bào như người nhiễm HIV có triệu chứng.
Tác dụng không mong muốn
- Tại chỗ: Đau, sưng, nổi ban đỏ, tăng nhạy cảm vùng tiêm.
- Toàn thân: Sốt, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn.
Thông tin vắc xin MMR – Ấn Độ
Vắc xin giúp tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi, quai bị và rubella ở trẻ từ 12 tháng tuổi.
Nguồn gốc
Được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Serum Institute of India Ltd – Ấn Độ.
Đường tiêm
- Với trẻ nhỏ tiêm dưới da sâu ở vị trí mặt trước bên đùi.
- Với trẻ lớn hơn tiêm dưới da sau ở vị trí bắp tay.
Đối tượng
Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến 10 tuổi.
Lịch tiêm
Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng (ACIP) khuyến cáo lịch tiêm như sau:
- Mũi 1: khi trẻ 12-15 tháng tuổi
- Mũi 2: khi trẻ được 4-6 tuổi
Chống chỉ định
- Những người đang sử dụng corticosteroids, các thuốc ức chế miễn dịch khác hoặc đang xạ trị có thể không có đáp ứng miễn dịch tối ưu.
- Không tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, người bị sốt, mắc các bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh bạch hầu, thiếu máu nghiêm trọng và các bệnh nặng khác về máu, có tổn thương chức năng thận, bệnh tim mất bù…
- Người có khả năng dị ứng với các thành phần của vắc xin.
- Người có phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn với neomycin, có tiền sử phản ứng quá mẫn hoặc dạng quá mẫn với trứng (phản ứng quá mẫn với trứng).
- Người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng do mắc bệnh bẩm sinh, nhiễm HIV…
Tác dụng không mong muốn
- Tại chỗ: đau nhẹ và nhạy cảm vùng tiêm.
- Toàn thân: sốt nhẹ,ngứa, nổi hạch bạch huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp… Trong đó, những trường hợp bị nổi mề đay, ngứa và phát ban rất hiếm gặp.
Thông tin vắc xin MMR II (3 in 1) – Mỹ
Đây là vắc xin sống giảm động lực tạo miễn dịch chủ động dùng để phòng ngừa nhiễm virus bệnh sởi, quai bị và rubella.
Nguồn gốc
Dược nghiên cứu và phát triển bởi tập Merck Sharp and Dohm – Mỹ.
Đường tiêm
Tiêm dưới da, không được tiêm tĩnh mạch.
Đối tượng
Trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên và người lớn.
Lịch tiêm
Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi (chưa tiêm Sởi đơn hay MMR II), phác đồ tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: 3 tháng sau mũi 1 (ưu tiên) hoặc hẹn mũi 2 lúc 4-6 tuổi.
Đối với trẻ từ 7 tuổi và người lớn, phác đồ tiêm 2 mũi:
- Mũi 1: lần tiêm đầu tiên.
- Mũi 2: 1 tháng sau mũi 1.
Trường hợp khu vực có dịch sởi, có thể tiêm cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi. Mũi tiêm thứ 2 khi trẻ 12 – 15 tháng tuổi và mũi tiêm thứ 3 lúc trẻ 4 – 6 tuổi.
Chống chỉ định
- Người bị dị ứng với các thành phần của vắc xin, kể cả gelatin.
- Có tiền sử dị ứng với neomycin.
- Phụ nữ mang thai, nên tránh có thai 3 tháng sau khi tiêm vắc xin MMR II.
- Người đang bị sốt, có bệnh lý đường hô hấp hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng đang tiến triển.
- Người mắc bệnh lao đang tiến triển mà chưa được điều trị.
- Người suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
- Đối tượng rối loạn về tạo máu, bệnh bạch cầu, u hạch ở mọi thể, hoặc những khối u tân sinh ác tính khác có ảnh hưởng tới tủy xương hoặc tới hệ bạch huyết.
Tác dụng không mong muốn
- Thường gặp: Cảm giác rát bỏng hoặc đau nhói tại vùng tiêm.
- Ít gặp: sốt (từ 38 độ C trở lên), trên da có vùng ban đỏ nhưng thường nhẹ.
- Hiếm gặp: nổi mụn nước, sưng nề, ngứa, nốt phỏng và đỏ da tại nơi tiêm; đau họng, khó chịu, sởi không điển hình, ngất, dễ bị kích thích; viêm mạch; viêm tuyến mang tai, viêm phổi, viêm mào tinh hoàn, viêm dây thần kinh, đau khớp hoặc viêm khớp…